"Mình không hiểu chuyện gì xảy ra. Mình cảm thấy người Việt Nam lo lắng thái quá, kiểm soát từng bước đi, cử chỉ. Ở nước Anh người ta không ép buộc như vậy", chị Vân cho biết.
Gia đình chị Vân sống tại London nhiều năm nay. Lần này bố chồng tại quê nhà Hải Dương đau ốm, 5 thành viên gồm chị, chồng và ba người con thu xếp về, nhập cảnh ngày 9/3. "Đây là lần đầu tiên sau 16 năm chồng tôi về Việt Nam. Chúng tôi về để thăm bố chứ không phải về tránh dịch".
Những ngày đầu tháng 3 nước Anh có hơn 100 người nhiễm nCoV, nhưng chị cũng như mọi người, không lo lắng.
"Cuộc sống hoàn toàn bình thường. Mọi người vẫn đi làm, học sinh vẫn đi học. Chỉ những người nhiễm virus mới đeo khẩu trang thôi. Còn ai khỏe mạnh mà đeo khẩu trang bị mặc định là bệnh nhân", chị nói.
Ba ngày vui vẻ ở quê nhà Hải Dương, thăm bà con hàng xóm, chị Vân không ngờ con trai lớn của mình, bé Sony Phạm, 11 tuổi, nhiễm nCoV.
Bệnh nhi Hải Dương xuất viện ngày 1/4 tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Cả gia đình được đưa đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương để lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm nCoV, sau đó cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện. Chị Vân bất đắc dĩ phải chuẩn bị quần áo và đồ dùng sinh hoạt theo lời khuyên từ hàng xóm.
"5 người chúng tôi vẫn giao tiếp bình thường với nhau. Tất cả đều không đeo khẩu trang hay đứng cách xa nhau 2 mét", chị Vân kể. Việt Nam lúc này mới có hơn 20 ca Covid-19, trong đó 16 người khỏi bệnh, "chẳng bù bên Anh, hơn 100 người nhiễm mà mọi người còn chả lo nữa là...".
Hai hôm sau, bốn người trong gia đình gồm chị, chồng và hai con nhỏ có kết quả âm tính nCoV. Chỉ có Sony Phạm, được thông báo chưa rõ kết quả, phải lấy mẫu xét nghiệm lại. Chị Vân và chồng không những không lo lắng mà còn mừng rỡ, "chỉ cần đợi thêm một kết quả của Sony nữa thôi là mình có thể về nhà".
Cô tiếp viên nhiễm nCoV trên chuyến bay của gia đình ngồi cách bé Sony 10 hàng ghế. Những người ngồi sau khoang ghế của gia đình chị, đều ở Hải Phòng. "Người ta đều âm tính hết", chị Vân nói chắc nịch vì theo dõi báo chí hàng ngày. "Thế thì con mình nhiễm thế nào được".
Nhưng không. Gia đình được thông báo Sony nhiễm nCoV. Đó là ngày 15/3, khoảng 2 ngày sau khi nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm lần 2.
"Tôi sốc, hoang mang, còn chưa tin lắm", chị Vân chia sẻ.
Nghe mọi người đồn có bệnh nhân Covid-19 ở Hải Dương, chị vội vàng mở máy thấy thông tin "bệnh nhân 73" giống hệt con trai mình: bé trai, 11 tuổi, địa chỉ ở huyện Thanh Miện, Hải Dương, nhập cảnh trên chuyến bay VN54 London - Hà Nội ngày 9/3.
"Thôi đúng con trai mình rồi", chị giật mình thốt lên. Cả hai vợ chồng lo lắng. Gia đình cũng ngay lập tức được nhân viên y tế thông báo cháu Sony Phạm mắc Covid-19.
Cháu không có biểu hiện nhiễm bệnh gì khiến chị càng lo hơn. "Trường học của cháu bên Anh của Sony không có ai mắc bệnh, thì con mình nhiễm bệnh thế nào?". Bé Sony còn quá nhỏ nên chưa hiểu được mình mắc bệnh gì, vẫn vui vẻ bên cạnh mọi người.
Người mẹ bắt đầu lo lắng. Chị Vân biết nCoV có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nhất là với trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu. Cơ chế lây nhiễm là trực tiếp qua giọt bắn khi tiếp xúc, "mà mấy ngày nay cả nhà có phòng ngừa gì đâu".
"Vậy là 2 con nhỏ, một bé 14 tháng và một bé 10 tuổi, cùng mình và chồng hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh?", chị Vân ân hận.
Ngay đêm hôm đó, Sony được tách ra riêng. Song, trẻ con cần có người chăm sóc nên bệnh viện đồng ý để bố cháu ở cùng phòng, còn chị Vân và hai người con nữa cách ly phòng bên cạnh. Phòng điều trị bé Sony ở tầng 2, hàng ngày nhân viên y tế đến thăm khám, cặp nhiệt độ, hỏi han tình trạng bệnh. Bệnh viện điều trị theo phác đồ Bộ Y tế.
Bé Sony Phạm vẫn khỏe mạnh, ăn khỏe hơn, cùng với sự động viên của nhân viên y tế, chị Vân và gia đình bớt lo dần. Chị hiểu ra có những bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng nhưng vẫn nhiễm, cần phải được cách ly và điều trị kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Mấy chục người trong thôn đều là F2, cũng được đưa cách phiên dịch ly tập trung. May mắn tất cả đều âm tính.
Lúc này, ở Anh dịch bắt đầu bùng phát mạnh với hàng nghìn người nhiễm nCoV và tử vong.
"Thật may mà mình về Việt Nam đúng thời điểm, cách ly kịp thời", chị nói.
Gần 2 tuần điều trị, bé có kết quả âm tính nCoV 3 lần, xuất viện chiều 1/4. Đoàn tụ tại nhà, cả gia đình không giấu nổi niềm vui.
"Tô nhận ra suy nghĩ trước đây của mình về thái độ phòng bệnh của mọi người ở Việt Nam là không nên. Xin cảm ơn các y bác sĩ chăm sóc cho con trai và chữa khỏi cho cháu", người mẹ chia sẻ.
Bé Sony và gia đình phải tự cách ly thêm 14 ngày nữa. Song chị Vân vui vẻ: "Ở Việt Nam một tháng rồi nên ở thêm 14 ngày nữa cũng không sao".
Với chị Vân, bé Sony Phạm và cả gia đình, chuyến về Việt Nam là một may mắn, bởi chỉ ngay sau đó, dịch bệnh nhanh chóng bùng phát trên toàn nước Anh với hàng nghìn người nhiễm bệnh và tử vong.
"Đại sứ quán Anh gọi cho tôi mấy lần hỏi có cần trợ giúp quay lại không, sợ ảnh hưởng đến công việc và học tập của các cháu. Lúc đấy tôi vẫn đang cách ly nên chưa có quyết định. Bây giờ chuyến bay cũng bị hủy rồi, và dịch bệnh lan tràn tại Anh nên tôi cũng chưa muốn trở lại vào thời điểm này", chị Vân nói.
Thúy Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét